Khoảng cuối tháng 11, người dân khu vực đường Trần Đình Xu và Nguyễn Cư Trinh (quận 1) không khỏi tò mò khi thấy ông Tây cao lớn, đứng sau xe đẩy nhỏ ghi dòng chữ “chuối chiên, thơm chiên” giá 10.000 đồng.
Fabrice (1971), du khách Pháp chưa muốn về nước vì Covid-19, là chủ nhân xe bánh chiên. Mỗi ngày từ 5h – 6h, ông lại lọ mọ đẩy xe ra vỉa hè, vào cửa hàng tiện lợi và ra chợ gần đó mua nguyên liệu. Khoảng 10h – 11h, ông dọn hàng về. Lý do ông Tây chỉ bán buổi sáng là vì ông cho rằng món này có thể dùng làm điểm tâm nhẹ cho học sinh, người đi làm; vả lại buổi chiều ở quanh đây bán nhiều món ăn khác, thực khách sẽ không chú ý nhiều tới xe bánh chiên nhỏ.
Trên xe đẩy gồm bếp ga nhỏ, chậu bột, khay đựng bánh chín, thớt ép chuối, chuối và thơm (dứa) tươi. Dứa được cắt sẵn thành khoanh, đựng trong hộp ủ chút đường qua đêm, và một số dụng cụ nấu nướng như dao, phớ trộn bột, nĩa… Đặc biệt, nguyên liệu chế biến của nam du khách không thể thiếu bơ nhạt – thay dầu chiên.
“Bánh chiên này có mùi thơm hơn, và không ngập thấm dầu mỡ như bánh chuối kiểu Việt Nam”, Anh Thư, một thực khách từng ăn thử, nhận xét.
Những ngày mới bán, phải có khách đến mua, ông Fabrice mới bắt đầu nhúng chuối, thơm vào chậu bột và chiên vàng. Mất ít nhất 5 phút để bánh chín. Lỡ tay áo bột dày quá, có khi ông loay hoay tận 10 phút. Sợ khách đợi lâu, vừa làm bánh ông vừa chắp hai tay về phía thực khách và cười, tỏ ý muốn họ thông cảm.
“Tôi nghĩ rằng việc cho khách xem mình chế biến là để họ biết bánh họ mua luôn mới”, ông lý giải. Sau vài ngày, ông rút kinh nghiệm nên chiên sẵn vài chiếc bánh, chỉ cần cho vào chảo đảo lại cho nóng, phòng khi khách mua nhiều không kịp làm.
Người Việt thích ăn ngọt, họ thường góp ý muốn thêm ngọt vào bánh, nghe thế ông Fabrice chỉ cười. Ông nói rằng sẽ không thay đổi công thức ban đầu của mình, vì không thể làm vừa lòng khẩu vị của mỗi người một ý. “Nếu bánh của tôi làm hài lòng thực khách, họ sẽ quay lại mua, và dạo này tôi có đông khách lắm”, Fabrice khoe.
Thực khách của Fabrice chủ yếu là người dân xung quanh, học sinh từ trường học gần đó, khách vãng lai ghé vào mua vì ông bán ngay trên vỉa hè. Một số cư dân nhận xét ông Tây này chưa từng gây mất trật tự công cộng, thân thiện với mọi người, thường được người khác mua giúp nguyên liệu hay đồ ăn. Một tiểu thương cho biết người dân cũng chỉ phản ánh chuyện ông hay cởi trần mỗi khi ngồi nghỉ ngơi, gây mất mỹ quan, và nhắc ông phải luôn mặc áo.
Ý tưởng bán bánh chiên được vị khách người Pháp cho rằng xuất phát từ Covid-19. Sau thời gian giãn cách xã hội, ông Fabrice ra ngoài nhiều hơn vì đã rất bí bách khi ở trong khách sạn suốt thời gian dài.
“Tôi muốn vận động cơ thể, đi chợ nấu ăn, thưởng thức nhiều món Việt ở các hàng quán, và cần thu nhập”, ông nói. Ông nhận ra người Việt thường dùng chuối và dứa để chế biến từ món mặn đến ngọt. Được ăn thử bánh chuối chiên kiểu Việt, thêm việc ở phương Tây thường ăn chuối cùng bánh kếp (pancake), Fabrice biến tấu ra công thức mới theo phong cách của mình
Không thể giao tiếp bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, ông Fabrice thường dùng cử chỉ để bày tỏ sự thân thiện với những người bán hàng xung quanh và với thực khách mua bánh.
Du khách Pháp này nhập cảnh Việt Nam vào 16/1/2020, thị thực có hạn đến 15/4/2020, và nằm trong khoảng 3.000 du khách nước ngoài kẹt tại Việt Nam tính đến tháng 4/2020. Ông Fabrice là một trong nhiều người chọn cách gia hạn thị thực lưu trú ở Việt Nam thay vì trở về quê hương, nơi đang căng thẳng giữa tâm dịch.
Vị khách Tây tiết lộ gia đình ông từng sống ở Sài Gòn những năm 1970, sau đó về Pháp. Ông còn cho biết có mẹ ruột là người Việt tóc đen, da vàng nhưng đường nét trên khuôn mặt lại lai Tây. Đó là lý do ông luôn cảm thấy gắn bó và muốn quay lại Việt Nam. Hiện ông sống trong một khách sạn gần nơi bán bánh. “Nếu bán bánh chiên mà tôi đủ sống, tôi sẽ duy trì xe bánh này ở đây”, Fabrice khẳng định.
ST